Ở cái tuổi 19, người ta dần lớn lên và chịu khó để trưởng thành hơn. Bây giờ nó đã là một sinh viên ở một trường
đại học. Nó luôn tự hào về nơi nó từng học, nơi đã cho nó biết đến màu áo dài
trắng tinh khôi để rồi mỗi khi trò chuyện với các bạn trong lớp đại học thì nó
rất vui khi khoe rằng nữ sinh trường nó được mặc áo dài mỗi khi đến lớp.
Nó là một người sống nặng tình cảm với quê hương, kỉ niệm. Đại loại là như vậy, vì nó biết, nó không thể nào sống mà có thể chấp nhận rũ bỏ đi tất cả. Nó không làm được điều đó như những người khác đã làm. Vì nếu nó rũ bỏ đi mọi thứ thì coi như là nó không còn gì hết. Từ việc rũ bỏ đi tất cả thì nó sẽ đánh mất đi tất cả mọi thứ mà đã từ lâu nó chắt chiu gây dựng. Nó đã có một “cơ đồ” được gọi là “18 năm khoảnh khắc yêu thương”. Nó nhớ lại ngày ấy, khi đó nó còn là một cô bé ốm còm nhưng được cái là có nước da trắng, nhưng nét mặt ngây ngô, ngơ ngác khi lạ lẫm bước vào trường cấp III. Nó đã học ở thị trấn này được bốn năm nhưng sao ngày đó nó vẫn bỡ ngỡ.
Nó vẫn luôn biết ơn đến những con người đã quên
mình để hy sinh thầm lặng để cho nó và các bạn có thêm ước mơ và niềm tin về
tương lai. Nó nhớ đến một người mà đã từng hứa với lòng dù cuộc sống có xô bồ,
dòng đời có xuôi ngược ngược xuôi thì nó cũng không được phép quên dù chỉ một
lần.Người đó là người mà nó gọi một tiếng thân thương
lắm, tiếng “cô giáo” và nó còn muốn gọi luôn tiếng “mẹ”. Hiển nhiên là vậy vì nó
muốn nói, muốn kể cho mọi người nghe những điều về cô, giáo viên chủ
nhiệm đầu tiên của nó ở trường cấp III. Cô chính là người mà lúc nào nó cũng
dành một khoảng đặc biệt nơi trái tim để lưu giữ hình ảnh, lời nói, nụ cười,
cùng những lời giảng bài có sức hút, sự lôi cuốn kì lạ.
Nó nhớ lắm
ngày đầu tiên nó mới bước chân vào trường cấp III để học ôn tuyển sinh chuyển
cấp. Bao nhiêu cảm xúc cứ thi nhau chạy lung tung, nào là vui sướng, lo lắng,
áp lực... ôi nhiều quá. Và cô đã là cô giáo chủ nhiệm của nó dù chỉ là một lớp
tuyển sinh tồn tại ngắn ngủi trong một tháng, lớp 10A1. Nó cũng không biết là cô
có còn nhớ lớp đó không nữa. Cô đã giúp nó vượt qua bao ngỡ ngàng với trường lớp mới, cô đã giúp nó có
thể học ôn tốt cho kì thi tuyển sinh và còn nhiều hơn thế. Cô chính là người
đầu tiên định hướng giúp nó theo đuổi học tập môn văn.
Hồi cấp 2 nó cũng từng
học văn, nhưng lúc đó nó cứ học và không hề biết học để làm gì? và phải học như thế
nào là đúng hướng mặc dù là nó rất thích. Cô gợi ý cho nó và hướng nó vào lớp
chuyên về xã hội để nó có thể học môn văn tốt hơn. Hình như cái sự dở và chậm của một đứa như nó nhưng lại chịu khó ham học đã được cô chú ý nhiều hơn. Cô luôn đưa ra những thử thách cho học sinh để học sinh có thể vượt qua. Cái thử thách mà cô dành cho nó chính là: Cô "bắt" nó phải cùng cô "chơi một ván cờ". Với ván cờ ấy, cô hy vọng nó phải thắng, và con cờ cô đã đặt để nó tiếp tục đi đó chính là con cờ "niềm tin". Ngày ấy, nó chỉ lí nhí hứa với cô: "Con sẽ cố gắng".
Thi tuyển, kết quả báo về, nó trúng tuyển với số điểm vượt chỉ tiêu và nó được vào lớp xã hội như nguyện vọng đã đăng kí. Nó muốn báo liền cho cô biết, nhưng lúc ấy, cô về quê ở Bắc chưa có vào. Nó chờ cô vào để nó khoe với cô.
Rồi hôm nó học quốc phòng thì bất
chợt nhìn thấy cô đi ngang. Nó vui lắm, chạy lại thật nhanh để chào cô và để
báo tin cho cô biết là nó đã đậu. Cô đã nhìn nó và cô cười. Cô nói là cô đã
biết rồi. Nó mới thắc mắc là sao cô biết thì cô nói vui là: “Con nhỏ này thì cô
là cô của mày mà sao cô không biết. Với lại nếu không đậu thì đâu có học quân
sự ở đây.” Nó ngớ người ra. À đúng rồi hen! nó ngây ngô quá...
Nó muốn gửi đến cô rất nhiều điều, trong đó điều lớn nhất chính là ba chữ: "Cảm ơn cô". Sau này
khi nó đã là học sinh lớp 12, dù nó đã xa mái trường thì trong nó vẫn vẹn
nguyên cảm xúc của những ngày đầu khi nó được cô dạy bảo. Dù cô có dạy thay
các thầy cô khác đôi ba lần nhưng mỗi lần được nghe cô giảng là cứ y như ngày nó chỉ mới là học sinh vừa bước chân vào trường cấp III mà thôi. Nó nhớ như in những lúc nói chuyện với cô rồi cô bảo: "Mới đây mà đã ba năm. Nhớ ngày nào mày còn bé xíu vào học tuyển sinh, giờ đã sắp ra trường đi đại học rồi con à".
Sau khi nói xong thì cô nhìn nó rồi cười.
Cô không dạy chính khóa của lớp nó nhưng trong
những kì thi thì cô lại là người chấm ngay bài kiểm tra và thi của nó nhiều
lắm. Cứ mỗi lần nó hay tin cô chấm bài là tim nó như muốn rớt ra ngoài chỉ vì nó sợ nó làm bài không tốt, không hay, không vừa ý cô. Nếu để cô đọc những bài đó thì nó sẽ xấu hổ
biết nhường nào.
Buổi sáng của một ngày năm lớp 12, nó thi cuối kì môn Vật lí. Cô đi ngang qua thấy nó liền nói với nó là: “Học hành gì mà làm bài thi có 5 điểm”. Lúc đó các bạn thi
cùng phòng quay sang nhìn con với những ánh mắt rất khác. Nó im lặng gục đầu buồn. Nó tự nói với bản thân: "Xong đời mày rồi Diễm ơi. Chết chưa, học hành làm bài sao mà để bị nhắc nhở, bị la. Ủa mà mình nhớ mình học bài kĩ lắm mà, rồi còn viết đàng hoàng lắm chứ đâu có tệ lắm đâu. Tiêu rồi." Lúc ấy cô nói xong nhìn nó xong
lại mĩm cười và đi về phía văn phòng. Nó không thể nghĩ đến nụ cười ấy như thế
nào. Sao cô nói vậy mà cô lại cười nó? Chắc cô đang cười nó học dở. Thế là chết thiệt rồi, tiêu tùng luôn. Chưa kể sẽ bị sư phụ đang đảm nhiệm dạy văn 12 lớp mình sẽ dợt mình một tăng vì cái tội học hành thấy gớm quá. Nó cũng không biết nói sao nữa. Nó chỉ
muốn tìm chổ trốn thôi. Nó buồn và nghĩ chắc văn của nó lần này viết tệ lắm rồi.
Ngày đi xem bảng điểm chính thức ở trường thì nó không thể nào tin được, trời đất: 9 điểm. Nó bất ngờ quá liền chạy như bay tìm cô để hỏi cô tại sao lại có sự kì lạ như thế. Sao bữa hôm cô bảo 5 mà nay cô bảo là 9 điểm. Cô nhìn nó cười rồi cô bảo: “
Cô đùa với mày một chút cho vui thôi. Ai ngờ mày lại tưởng thật. Rồi lúc cô nói mày
bị 5 điểm có tin không? Lúc đầu cô chấm 9.5 điểm, nhưng sau đó cho 9 thôi vì
viết chưa chắc lắm, chưa rõ ý. Nhưng lần sau nếu mình đã làm hết khả năng và như những gì đã biết, đã được học thì
hãy có niềm tin nghe chưa”. 9 điểm ấy đã dạy cho nó không phải nhìn vào đó rồi
tự cao mà khi nhìn vào đó con sẽ thêm cố gắng hơn nữa.
Cũng vẫn nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã tiếp lửa cho nó để nó đi thi đại học, cô chúc nó may mắn và thành
công trên con đường mà con đã chọn. Cô muốn nó học văn, nhưng nó đã đặt bút thi ngành báo. Mặc dù cô không thích lắm cái ngành mà nó đang theo đuổi nhưng mà cô cũng không có ghét và vẫn luôn ủng hộ nó theo con đường nó quyết định chọn. Nó thầm cảm ơn cô rất nhiều về điều đó.
Nó nhớ lại mỗi khi cô nói chuyện cùng con thì cô nói cô chỉ như là người dưng qua đường thôi, cô bảo: "Mày đừng nhớ đến cô làm gì". Con không
quan tâm đến đều ấy. Bởi người ta thường nói “Một chữ cũng thầy, nữa chữ cũng
thầy”. Đằng này cô đã dạy con quá nhiều chữ, cộng thêm những lần chấm bài cô
góp ý để con sửa sai. Thành công, sự hiểu biết về môn văn của nó như ngày nay là có một phần rất
lớn nhờ cô định hướng đi, chỉ dạy cho nó. Nó không bao giờ xem cô như là người dưng qua đường như cô đã
nói đâu. Nếu nói ra thì có lẽ cô không tin đâu. Lời phê của cô dành cho bài viết đầu mà cô sửa cho nó thì đến nay nó vẫn còn giữ. “Có ý thức học bài, làm bài. Con rất có
triển vọng để học môn văn. Tuy nhiên bài viết còn sơ sài, chưa sáng tạo, chưa
bình sâu mà chỉ mới đi khai thác được những vấn đề cơ bản nhất. Để học văn hay
phải cố gắng sáng tạo, bình hay, bình kĩ”. Nó giữ như lưu một kỉ niệm khó
quên. Nó giữ và xem như đó là một động lực để mà cố gắng, học trò của cô sẽ luôn cố gắng cô ạ.
Học
văn là quá trình dài. Cho đến hôm nay nó vẫn còn yêu môn văn nhiều lắm. Hình
như là nó bị nghiện văn rồi. Với nó cô mãi là người thầy đáng kính. Nó luôn
kính trọng cô, cô giáo chủ nhiệm đầu tiên khi nó bước chân vào học ở ngôi
trường cấp ba.
Khi lên ngồi ở giảng đường nó mới biết, nhận ra là ngày nó bước chân vào trường, cô không phải chỉ mong nó vượt qua kì thi tuyển sinh hay
là được vào lớp xã hội học mà cô đang mong nó thành công trên con đường mà nó đang và sẽ bước đi. Cô muốn nó sống cho đam mê, mơ ước. Cô hy vọng con làm
được nhiều điều có ích. Cụ thể là lần nào nói chuyện điện thoại với cô thì cô cũng nhắc điều ấy với nó. Nhớ lắm những câu nói quen thuộc của cô: “ Gì vậy cô nương?”, “cô nghe nè cô nương”.
Đứa học trò của cô ngày nào dù được cô chấm 9
điểm văn nhưng những câu chữ hôm nay còn lắm vụng về... Nhưng tất cả đều là những gì mà con nhớ về cô rất nhiều, biết ơn cô lắm... Nhớ cô!
AnhAnh.DươngKiềuDiễm
(Cựu học sinh lớp 12X trường THPT Đầm Dơi khóa 2008 – 2011)
Không có nhận xét nào