Niềm tin cô dành cho tôi Tri ân cô Trịnh Hãi Minh, giáo viên bộ môn văn trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau Sau mỗi ngày đ...
Niềm tin cô dành cho tôi
Tri ân cô Trịnh Hãi Minh, giáo viên bộ môn văn trường THPT Đầm Dơi, huyện
Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau
Sau mỗi ngày đi học về, sau những niềm vui, sau những lúc mệt mỏi với công
việc nó lại nhớ cô nhiều lắm. Nó vẫn nhớ về những gì cô đã dạy nó. Nó cảm ơn cô
vì cô vẫn lặng thầm dõi theo từng bước nó đi trên những nẻo đường đầy sóng gió.
Nó nhớ lắm ngày xưa, nhớ ngôi
trường cấp 3 năm cũ và ở nơi ấy vẫn luôn có một người vẫn lặng thầm dõi theo, quan
tâm và mong nó nên người…
Từ khi còn học cấp hai nó có
niềm đam mê văn học. Thế là sang cấp ba nó bắt đầu quyết tâm theo đuổi học văn.
Nó được chọn vào đội tuyển của trường. Nhưng gia đình nó xuất hiện những biến
cố lớn khiến tâm hồn nó dần bị tổn thương. Nó mặc kệ tất cả và bắt đầu lơ là
đối với việc học đặc biệt là việc học nhóm chuyên văn. Tình hình học tập của nó
ngày càng sa sút. Từ học sinh khá nhiều năm liền, nay tuột dốc hẳn xuống học
sinh trung bình. Nó quyết định muốn nghỉ học và trong đó có việc từ bỏ học nhóm
chuyên, từ bỏ cái mà tôi gọi là ước mơ được ấp ủ từ lâu. Thế là cô đã bước vào
cuộc đời nó, cô đã thay đổi trong nó mọi suy nghĩ.
Nó chưa biết gì nhiều về cô vì
cô chưa dạy nó ngày nào. Trong trí nhớ của nó cho lúc đó chỉ là sự loáng thoáng
của dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt to, thỉnh thoảng có nụ cười tươi trên gương
mặt đầy nghiêm nghị. Cô được thầy hiệu trưởng phân công dạy nhóm chuyên văn lớp
10. Nó ngập ngừng đến gặp cô để xin cô cho phép nó được nghỉ học nhóm văn. Thật
bất ngờ vì không những cô không đồng ý, mà ngược lại cô còn cho phép nó tự học
ở nhà và không cần phải lên lớp học vào mỗi buổi tối. Đương nhiên nó sẽ trở lại
học khi nào mọi chuyện ổn hơn.
Cứ mỗi tuần nó gặp cô khoảng
hai đến ba lần để cô giảng cho tôi bài tập, và giao bài học.“Tự học hơi vất vả,
ráng lên em. Qua được chặng đường này rồi sẽ ổn à. Cứ viết bài đi rồi cô sẽ sửa
cho. Học văn không nên gấp gáp. Không thể học ngày một ngày hai là có thể trở
nên giỏi”. Cô đã làm sống dậy niềm đam mê văn học trong nó mà từ lâu tưởng như
nó không thể nào trở về như lúc trước.
Nó đã trở lại với con người hoàn toàn mới. Kết
quả cuối năm nó đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Nó vui lắm và ánh mắt
của cô khi nhìn nó cũng thế, rạng ngời niềm vui.
Khó khăn sao nhiều quá. Nó
phạm nhiều lỗi, văn của nó viết thiếu cảm xúc, thiếu mạch lạc, câu từ chưa rõ,
xác chữ vô hồn. Chữ của nó chưa được đẹp và kĩ năng hành văn gần như yếu nhất
nhóm. Đến lúc này đây, nó khiến cô bận tâm, nhắc nhở liên tục. Nó buồn và có
chút xấu hổ. Cô vẫn kiên trì sửa bài cho nó và còn cùng nó rèn chữ. Cũng nhờ cô
rèn chữ mà chữ nó đẹp hơn và nó càng thích hơn khi có nhiều người bảo rằng chữ nó
giống chữ của cô nhiều lắm. Cô cũng nói như thế: “Chữ của mày giống chữ của cô
rồi đấy”.
Cô luôn giúp đỡ khi nó gặp khó
khăn nhất, nhẫn nại với nó, thậm chí là cô còn dành thời gian ít ỏi của mình mà
đem bài của nó về nhà sửa. Đôi lúc nản tôi bỗng nhớ đến lời mà cô đã từng nói. Vào
năm học lớp 11, nó được chọn đi thi. Không thể tin là nó được chọn. Nhưng khi
thi tỉnh xong thì kết quả là rớt. Cô không nói gì cả, chỉ im lặng nhìn nó khóc.
Lên năm 12, cô được ban giám hiệu nhà trường phân công dạy chính khóa ở lớp nó.
Từ lúc cô bắt đầu dạy nó cho đến bây giờ, khi nói chuyện với nó cô không bao
giờ khen câu nào cả dù việc nó làm có đúng, có hay. Cô chỉ la mà thôi. Đôi lúc
tôi tự nghĩ là cô ghét mình hay sao mà cứ đối xử với nó như thế. Nhớ lắm cái
ngày của tháng 4 năm 2011, nó đã không thuộc bài môn của cô. Vấn đề khá nghiêm
trọng mà không thể nào chấp nhận được đối với một học sinh chuyên văn đặc biệt
là ngay môn cô dạy. Chỉ biết im lặng và nó chờ đợi cô sẽ ghi tên tớ vào sổ đầu
bài của lớp. Nhưng mà cô đã không ghi tên nó vào sổ đầu bài thay vào đó cô giận
đến mức hôm đó không thèm nhìn mặt nó luôn. Về nhà bỗng nhiên nó khóc òa một
trận ra trò như một đứa con nít. Nó muốn cô nghe nó xin lỗi, muốn cô nói chuyện
lại với nó như lúc trước.
Nó quyết tâm học ôn để thi cho
tốt cho kỳ thi vòng tỉnh. Nó hy vọng niềm tin cô dành cho nó vẫn còn dù cô
không nói. Kết quả nó đạt được giải khuyến khích. So với các bạn thì nó còn thua
xa, nó chưa làm được gì lớn lao. Nhưng khi nghe mọi người nói lại với nó rằng
thành tích đó đối với cô là cả niềm vui, lớn lắm, một món quà cô rất quý và
trân trọng. Được chọn đi thi lần hai, nhưng lần này nó không đạt. Cô nhìn nó
rồi nói: “ Hãy buồn đôi chút thôi. Bây giờ được đi hay không là không quan
trọng. Quan trọng là em phải cố gắng học để chuẩn bị cho hai kì thi sắp tới,
nhất là kì thi đại học. Phải cố gắng hết mình để không phải hối hận hay tiếc
nuối. Em hiểu ý cô không”. Dường như cô đang trao cho nó điều gì đó rất là quý
giá và vô cùng quan trọng. Cô động viên nó thi vào khoa Báo chí và Truyền thông
của Đại học KHXH&NV TP. HCM, cái ngành mà ai cũng cười rằng nó sẽ không bao
giờ đạt được. Nhưng với cô thì “Cô tin em sẽ làm được, em sẽ thành công”, lần
đầu tiên nó nghe cô nói như thế. Cô kể nó nghe là ngày xưa cô cũng thích nghề
báo lắm. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì nhiều điều khác nữa mà cô quyết định
thi vào sư phạm. Cô muốn nó phải thực hiện những đam mê của mình, đừng để phải
hối tiếc như cô. Lời nói ấy, động lực ấy đã tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho tôi
hơn để tôi có thể theo đuổi ước mơ của mình. Niềm tin, cô đã dành cả cho nó. Nó
sẽ viết tiếp ước mơ của cô, sẽ trở thành phóng viên.
Nó đậu đại học. Cô mỉm cười
với nó nhưng không hề khen nó câu nào cả. Ngày nó đi cô vẫn còn la nó. Nó biết
cô nhắc nhở nó rằng đừng quá tự cao khi đã đậu đại học. Món quà cô dành cho nó
khi nó đến chào tạm biệt cô để đi học chính là những dòng chữ: “Cô tự hào về em
lắm, nhớ kỹ rồi nghề sẽ dạy người. Nè, mày đi rồi cô sẽ buồn lắm đó biết không.
Nhưng cũng mong rằng sẽ có thêm được những đứa như em” sau đó cô khóc. Và đó
cũng là lần đầu tiên nó thấy cô khóc. Chắc cô đã quên những lời đó vì cô có quá
nhiều học sinh nhưng nó thì vẫn nhớ từng chữ một và nhớ lúc cô khóc với nó.
Có rất nhiều đều nó muốn gửi
đến cô. Nó muốn nói với cô lời xin lỗi mà ngày nào nó vẫn còn nợ không dám nói
ra. Nó muốn gửi đến người đã thay đổi trong nó mọi suy nghĩ một lời cảm ơn lớn
nhất, muộn nhất để nó có thể tiếp tục ngồi trên giảng đường cho ngày hôm nay. Cảm
ơn sự nhẫn nại của cô đã dành cho nó, cho đứa học trò vô số tội và đầy ngốc
nghếch.
Cô đã dạy nó quá nhiều điều mà
không có câu chữ nào hay ngôn từ nào có thể diễn tả được hết. Dù đang theo đuổi
học ngành báo nhưng sau này nó vẫn muốn những lúc rảnh rỗi tôi sẽ đi dạy để kế
nghiệp của cô. Nó cũng muốn lắm sẽ có một ngày tôi được kể cho học trò của mình
nghe về cô giáo của nó ngày ấy, nó sẽ kể hăng say và đầy tự hào. Nó sẽ nhớ mãi
người đã thay đổi cuộc đời nó. Dù thời gian có xóa nhòa mọi thứ, dù cuộc sống
có nhiều đổi thay nhưng có một điều sẽ không bao giờ phai mờ “CÔ CHÍNH LÀ NGƯỜI
ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI EM”.
Cho đến bây giờ nó cũng không
nhớ rõ là cô đã la mình bao nhiêu lần. Có lẽ vì quá nhiều nên nhờ vậy mà nó nên
người hơn. Giờ đây lại thèm lắm được nghe những lời la rầy sao mà khó tìm quá. “Cô
ơi, sống vui và khỏe cô nhé”. Nó chỉ mong ước cô của nó mãi luôn như thế thôi,
và cô mãi là người thầy nó kính trọng yêu thương.
“Rồi sẽ có một lối mòn dẫn đến
ước mơ…”
Học trò nơi xa
Dương Kiều Diễm
(Cựu học sinh lớp 12X trường THPT Đầm Dơi, khóa 2008 – 2011)
Không có nhận xét nào