Trích nguyên bản từ nguồn báo VnExxpress: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2006/11/3b9f02a2/ Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần (6/11), thày Lê ...
Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần (6/11), thày Lê Trần Bân, Hiệu phó THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh, Nghệ An) đã đọc bài văn viết về bố của học sinh Nguyễn Thị Hậu. Thày ngân ngấn nước mắt, cả sân trường xúc động lặng im. Sau hôm đó, người dân thành phố Vinh photo bài văn, chuyền tay nhau đọc.
Nguyễn Thị Hậu - học sinh chuyên Toán lớp 10A2 THPT
Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, Nghệ An - chỉ có 45 phút ngồi trên lớp
học để viết lên bài văn này. Bài văn với gần 1.500 từ trên 4 trang giấy
kiểm tra ướt nhoè nước mắt của Hậu khi làm bài.
Bóng dáng người bố yêu thương hiện lên trang văn,
người đọc đường như thấy một chút bóng dáng người bố thân yêu của mình
và thôi thúc nuôi dưỡng ước mơ và thúc giục sống tốt hơn. Bài làm văn
của em đã viết lên cảm nghĩ chân thực về người cha thân yêu làm nghề xe
lai (xe đạp ôm), nhưng bị căn bệnh quật ngã ra đi.
"Thày Bân đọc được nửa bài văn quá xúc động nghẹn lời,
ngân ngấn nước mắt. Chúng tôi đều rưng rưng, mến phục thương em Hậu và
thôi thúc chúng tôi sống và giảng dạy tốt hơn. Từ nay vào các buổi lễ
chào cờ đầu tuần chúng tôi chọn lọc những đề văn và bài làm hay đọc dưới
cờ để nhân lên sự yêu thích văn chương của học sinh" - thày Võ Tuấn
Thiện, hiệu trưởng THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.
Ngay sau đó từ học sinh, giáo viên các trường trên địa
bàn thành phố Vinh cho đến bà bán nước bác xe ôm đã photo bài văn,
chuyền tay nhau đọc. Cứ thế bài văn nhân thêm nhiều bản, và chuyền về
tận các huyện...
Đề bài: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”
Bài làm:
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người
đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn
nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu
trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn
bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa
thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác.
Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung
sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã
phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn
đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây,
khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi
thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng
người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má
cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy,
bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một
người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia
đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật,
ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên
những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố
gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc
mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm.
Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất
khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa,
đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.
Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè
nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả
tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng
đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và
hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu
thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng
như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn
khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng,
tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau
hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó
vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết
mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm
tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi
chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết
kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh
cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở
tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho
tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành
người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất
giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi
lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách
sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng
mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng… Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ
làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố
và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết
ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là
con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc.
Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi
theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi
giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi
cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố
còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho
nó bao giờ cũng xanh tươi.
Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước
vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình
một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa
hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che,
chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú
mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế,
trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ
nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn
tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để
có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả
gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại
bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố
đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp
ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố
đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.
Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình
không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố
đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày,
chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người
xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình,
tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người
yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ
không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy
yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính
trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi.
Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình
cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của
mình.
NGUYỄN THỊ HẬU(Lớp 10A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An)
Lời phê của cô giáo Phan Thị Thanh Vân:
“Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động.
Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người.
Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.
|
(Theo Tuổi Trẻ)
Một bài văn tuyệt vời, thực sự tôi chưa bao giờ được
đọc một bài văn xúc động đến như thế! Bài văn thực sự giúp tôi nhận ra
rất nhiều điều, tôi sẽ gửi bài văn này cho tất cả bạn bè tôi quen biết
trên Internet...
Đây thực sự xứng đáng là bài văn chuẩn có thể đưa
vào những quyển đạo đức cho cấp 1, hay đưa vào những quyển làm văn của
cấp 2, cấp 3 để các em tham khảo. Bài văn không chỉ thực sự xúc động
bằng tình cảm thực sự của người viết mà còn mang tính giáo dục rất cao.
Cám ơn em Hậu và chúc em thành công trong cuộc sống!
From: Le Bat Tu
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:09 PM
Subject: Ve bai van"viet ve nguoi than yeu nhat"
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:09 PM
Subject: Ve bai van"viet ve nguoi than yeu nhat"
Xúc động! Bất cứ ai đọc bài văn này cũng có tâm trạng
như vậy. Tôi mong người cha, người mẹ trong mỗi gia đình nếu đã đang
dành thời gian quan tâm và những bận rộn công việc chưa có thời gian
quan tâm đến con mình nhiều thì xin hãy vì tương lai của con trẻ, vì thế
hệ tương lai của Nước nhà.
Hãy dành thời gian, lời động viên nhắc nhở tới con
em mình, nuôi dưỡng thế hệ trẻ mang trái tim nhân hậu hơn, bầu nhiệt
huyết nồng nàn hơn để đất nước ngày càng phát triển bền vững, để không
còn những nỗi đau mà tác giả lại chính là những em tuổi vị thành niên...
Đọc xong bài văn của em Hậu, là một người đang định cư
ở nước ngoài, tôi thiết nghĩ nhà trường cũng như Bộ Giáo dục nên tạo
điều kiện cho những em như Hậu có được phương tiện để có được những hoài
bão của em...
From: Thai Doan Hoang
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:43 PM
Subject: Gui toi em Hau
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:43 PM
Subject: Gui toi em Hau
Em đã nói lên nỗi lòng của nhiều người có cùng hoàn cảnh như em.
Cảm ơn em vì điều đó, anh chúc em sẽ thực hiện được những ước mơ của mình và sẽ luôn là người con ngoan của gia đình, luôn là niềm tin yêu của bố.
Cảm ơn em vì điều đó, anh chúc em sẽ thực hiện được những ước mơ của mình và sẽ luôn là người con ngoan của gia đình, luôn là niềm tin yêu của bố.
Mong em sức khỏe va thành công trong học tập.
From: Bac si Ho Van Hai
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:53 PM
Subject: Bai van rat dung nghia cua hoc sinh lop 10
To: vne-xahoi
Sent: Wednesday, November 08, 2006 4:53 PM
Subject: Bai van rat dung nghia cua hoc sinh lop 10
Theo cảm nghĩ của riêng tôi, dẫu biết rằng sự so sánh
bài văn của cháu Minh (hay cháu Ngọc) hôm trước nói về sự thành công và
cháu Hậu nói về bố thì tôi thích bài của cháu Hậu hơn! Không phải vì tôi
là một người đàn ông và là người bố mà là vì những lý giải sau đây:
1. Bài cháu Hậu đúng nghĩa với suy nghĩ của một
tầm suy nghĩ của học sinh lớp 10, còn bài cháu Minh nếu không nhầm thì
đó là suy nghĩ của người lớn tuổi và có dáng dấp sao chép ý tưởng.
2. Bài cháu Hậu không trau chuốt, không có giọng dạy đời như bài bé Minh, nhưng qua đó ta có bài học rất thực.
3. Cả hai bài văn của 2 cháu đều giàu ý tưởng và hình ảnh, nhưng bài của cháu Hậu thực hơn, còn bài cháu Minh sáo hơn chăng?
Không có nhận xét nào