Đó chính là biệt danh mà độc giả dành tặng cho Tuyết Hường – (một phóng viên kiêm biên kịch trẻ đang sống và làm việc tại TP.HCM) khi cô ra...
Đó chính là biệt danh mà độc giả dành tặng cho Tuyết Hường – (một phóng viên kiêm biên kịch trẻ đang sống và làm việc tại TP.HCM) khi cô ra mắt tác phẩm truyện dài đầu tay mang tên Búp bê giấy. Chỉ sau hai tuần phát hành, tập truyện đã bán được hơn 300 cuốn và có độc giả đã lập ra một trang Fanpage Búp bê giấy thu hút 200 lượt like trong hai ngày. Với một tác giả trẻ như Hường thì đó là niềm vui lớn.
"Búp Bê giấy". tác phẩm đầu tiên của "nhà văn búp bê" Phạm Tuyết Hường
Cô gái đa tài
Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười tươi lúc nào cũng nở trên môi, Tuyết Hường dường như trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Tự nhận bản thân mình là người có nhiều đam mê: viết báo, viết kịch bản phim, viết truyện, Tuyết Hường luôn cố gắng để hoàn thành tốt tất cả những công việc của mình. “Đôi khi cũng căng thẳng lắm, làm báo cần sự chính xác, ngắn gọn, còn viết truyện, viết kịch bản lại cần sự mơ mộng, sáng tạo. Thế nhưng chính sự đối lập ấy lại làm mình như cân bằng hơn, cảm thấy cuộc sống mới mẻ hơn”. Khi đọc truyện Búp bê giấy, nhiều người sẽ cảm thấy câu chuyện có tiết tấu nhanh, nhiều nhân vật, tính cách đan xen, giống như lời Hường chia sẻ: “Dù gì thì tuổi trẻ cũng phải trôi qua, rất nhanh, đó là thứ không thể để dành. Tốt nhất vẫn nên tận dụng để làm những điều tưởng chừng như điên rồ, như nhân vật chính Mi đã làm vậy”.
Nhà văn trẻ: Phạm Tuyết Hường
Thành công ngay từ cuốn sách đầu tay
Vốn giỏi viết lách, đam mê làm báo và viết kịch bản phim, tiểu phẩm. Thế nhưng trong suy nghĩ của Hường, việc xuất bản một quyển sách mang tên mình thật sự là điều… không nghĩ tới. “Ra mắt cuốn sách đầu tay, lại được độc giả yêu mến là điều khiến mình thật sự hạnh phúc. Vui nhất là được độc giả lập một Fanpage cuốn sách, có độc giả mua sách và nhận xét là nội dung nhiều kịch tính, đọc mà… quên cả bán hàng. Hôm trước còn có một độc giả teen chạy đến xin chữ kí và nói thuộc hết cuốn sách của mình khiến mình vô cùng bất ngờ”, Hường cười.
Khi được hỏi về những ý tưởng khi xây dựng cốt truyện, Hường chia sẻ: “Ý tưởng chính từ cuộc sống! Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống đều mang lại cho chúng ta những kiến thức và trải nghiệm. Bản thân từng có nhiều năm làm phóng viên thời sự, là trưởng nhóm nhóm từ thiện Bồ Công Anh, có cơ hội biết được nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh khác nhau thế nên trong tác phẩm của Hường, có rất nhiều chi tiết lấy bối cảnh từ đời thực. Như việc dạy khiêu vũ cho người khuyết tật của trung tâm DRD, làm búp bê giấy, những chuyến giao lưu với học sinh các trường,… Chính những chi tiết ấy khiến truyện khi đọc có nhiều nét chân thực, gần gũi. Dự định trong năm nay, bộ phim truyền hình từ truyện Búp bê giấy sẽ được ra mắt khán giả. Thật là một năm nhiều niềm vui và may mắn” – Hường cười tươi.
Cô gái luôn có nụ cười tươi và nhiệt huyết cống hiến sức trẻ cho những đam mê
San sẻ yêu thương
Không chỉ là một cô gái có tài năng viết lách, Hường còn rất khéo tay. Quá trình thực hiện “Búp bê giấy”, Hường đã tự mày mò và làm thành công những con búp bê giấy vô cùng xinh xắn, được bạn bè xung quanh ngưỡng mộ. Hình ảnh bìa sách với bánh cưới búp bê được mô phỏng từ chính chiếc bánh cưới búp bê giấy mà Hường làm tặng trong đám cưới chị ruột của mình.
Tác giả tạo hình bên chiếc bánh cưới búp bê giấy
Hường còn là một cô gái năng nổ và đam mê các công việc thiện nguyện. Bản thân cô từng tổ chức hơn 10 chuyến đi thiện nguyện đến nhiều tỉnh thành trong suốt 6 năm qua, đến tháng 1 vừa rồi, sau khi tích góp tiền từ bản thân và kêu gọi gây quỹ để trao 10 suất học bổng cho học sinh Bến Tre, Hường mới chính thức đặt tên nhóm là Bồ Công Anh, với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ như hoa bồ công anh, lan toả đến cộng đồng. Tôi được dịp đi với nhóm Hường trong chuyến đi đến trường THCS An Thuỷ, Bến Tre. Điều khiến tôi nhớ mãi là hình ảnh cô gái nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và giải quyết mọi việc rất nhanh chóng, cẩn thận. Chương trình rất thu hút học sinh do ý tưởng gian hàng 1000 đồng. Tại gian hàng này, học sinh có thể mua sách báo, quần áo, bút viết với giá chỉ 1000 đồng, 2000 đồng tuỳ món hàng. Toàn bộ số tiền bán được sẽ được bổ sung thêm vào học bổng giúp đỡ học sinh nghèo trong trường. Điều khiến tôi nhớ nhất là khi Hường mong muốn ngoài danh sách các học sinh trường cung cấp để trao học bổng, Hường và các thành viên trong nhóm còn tìm thêm một số em tuy học lực không khá giỏi, nhưng ngoan ngoãn và có hoàn cảnh thật sự khó khăn để trao học bổng.
PHƯƠNG ANH
“Búp bê giấy” có giá: 31.000 đồng/cuốn. Bạn có thể tìm mua tại: 43 Hồ Văn Huê, Q. Phú Nhuận hoặc 175 An Dương Vương, Q.5. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với tác giả qua mail: hoahongtrang08@gmail.com. Mỗi cuốn sách bạn mua, tác giả sẽ trích 10% vào quỹ từ thiện Bồ Công Anh do chính tác giả sáng lập. Đây là quỹ từ thiện tặng học bổng cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Tuyết Hường đã phát hai đợt gạo, tổng cộng là 100 kg cho những người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực Q.2, Thủ Đức. Hường đang thực hiện đợt phát gạo sắp tới tại Bình Dương.
Không có nhận xét nào